Liệu sơn dầu có độc với người vẽ hay không?

Sơn dầu được biết đến là một trong những chất liệu màu phổ biến và tiêu biểu nhất cho các dòng tranh nghệ thuật. Rất nhiều người vẽ đã lựa chọn theo đuổi dòng tranh sơn dầu. Vậy liệu chất liệu này có an toàn với người dùng hay không? Hãy cùng Bụi giải đáp thắc mắc trên nhé.

Sơn dầu là gì?

Sơn dầu là một loại màu họa phẩm được làm từ sắc tố (pigment), thường dưới dạng bột khô được nghiền kỹ với dầu lanh (cây gai), dầu cù túc hay dầu óc chó. Sơn dầu được rất nhiều họa sĩ sử dụng cho tranh của mình vì một số đặc tính sau:

  • Khả năng tùy biến dày nổi khác nhau khi sử dụng màu nước hoặc màu khô
  • Thời gian để màu dầu khô khá lâu, tạo điều kiện thuận lợi để các hạo sĩ sáng tạo đến mức tối đa
  • Bề mặt tranh có sự pha trộn giữa độ mịn màng, mấp mô, sần sùi và sọc như chất liệu vải
  • Công cụ dùng để vẽ đa dạng, không nhất thiết phải là dùng cọ như truyền thống
  • Sơn dầu tương đối bền bỉ “thách thức thời gian”, giá trị bức tranh đồng biến với tuổi thọ trải qua.

Một trong những điểm ưu việt của sơn dầu là độ bền, bức tranh này Mona Lisa vẫn còn giữ được màu tốt sau hàng trăm năm


Thành phần của sơn dầu

Sơn dầu gồm hai thành phần chính: sắc tố màu (pigment) và dầu tạo màng.

Bột màu Pigment

Pigment là các loại bột màu pha với sơn. Tuỳ vào nguồn gốc của pigment có độc hay không và ở mức độ nào. Bên dưới là một loại màu bột hay được dùng để pha sơn dầu:
     Trắng chì: Silver white, Lead white (Đọc mã trên tuýp là PW1) là một loại bột màu được tạo nên bởi carbonate và hydroxide chì thu được sau một quá trình chưng cất phức tạp. Chì trắng sẽ rất độc khi ở dạng bột do hít phải. Tuy nhiên khi thành sơn dầu, được dầu tạo màng giữ lại nên chỉ độc trong trường hợp nuốt phải hay dính vào mắt. Trên thị trường, ta rất hiếm khi gặp được sơn dầu có chứa trắng chì thật vì với một số có thể là sự pha trộn giữa trắng kẽm, trắng titanium để mô phỏng lại trắng chì.
    Màu đỏ thần sa (vermilion) từ ngọc thần sa. Từ ngọc thần sa được sinh ra từ núi lửa, có sắc đỏ như máu, chói lọi như lửa.
Thần sa có nguồn gốc từ quặng sulfide thuỷ ngân. Thần sa đỏ rất độc và chỉ thường có trong các loại sơn dầu cao cấp.

Tinh thể thần sa.

     Còn những loại màu cadmium (đỏ cadmium PR108) là loại màu tổng hợp để thay thế. Chúng được tổng hợp từ nguyên tố cadmium mới được phát hiện năm 1817. Công nghệ tạo màu cadmium này khá tốn kém và phức tạp nên màu này cũng rất đắt. Tuy cadminum là chất độc nhưng màu cadmium có hàm lượng cadmium rất thấp nên không bị coi là độc.
Ngoài ra còn một số loại bột màu pigment lành tính khác, lam ultramerine làm từ ngọc lưu ly và lam cobalt từ oxit nhôm đều không độc. Một số loại màu có nguồn gốc tự nhiên như vàng Ấn Độ, vàng hoàng thổ từ đất vàng, burn umber từ đất mùn hay phù sa… cũng không độc.

Tinh thể ngọc lưu ly (lapis lazuli) có nhiều tại Afghanistan thường được xuất sang châu Âu theo con đường tơ lụa huyền thoại.

Như vậy, ta biết được rằng đa số các pigment của sơn dầu thường là không độc trừ một số loại màu đặc thù. Thường với các màu hạng sinh viên sẽ không thực sự được tạo nên bởi pigment chính xác của nó mà là màu mô phỏng từ các loại hoá chất rẻ tiền khác.

Dầu tạo màng

Dầu tạo màng có tác dụng kết dính có thể là dầu lanh, dầu hạt óc chó hoặc dầu thuốc phiện. Trong đó dầu lanh được chế biến bởi nhiều phương pháp khác nhau như phơi nắng (sun-bleached linseed oil, sun-thickened linseed oil), nấu trong điều kiện không tiếp xúc với không khí (stand oil), dầu tinh chế lọc bỏ các tạp chất (refined linseed oil), dầu nấu trong điều kiện có tiếp xúc với không khí (boiled linseed oil), hoặc đơn giản là dầu ép thẳng từ hạt lanh không xử lý (raw linseed oil)… sẽ cho ra các tính chất khác nhau và dùng trong các trường hợp khác nhau với tỉ lệ thích hợp.

Các loại họa phẩm khác trong quá trình vẽ tranh sơn dầu

Nhựa

Nhựa có tác dụng là chất kết dính, giữ cho sơn dầu có độ bóng khi pha thêm cùng sơn dầu trong quá trình vẽ. Nhựa cây chủ yếu chiết từ các cây họ thông tùng bách và các họ cây dầu mọc ở các khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Nhựa được pha với tỉ lệ rất ít.

Dung môi pha loãng dung dịch để vẽ

Dung môi này dùng để pha dung dịch hoà tan các loại dầu tạo màng và nhựa cây như dầu thông, dầu oải hương. Có hai loại dung môi pha loãng dung dịch chính:

  • Dầu thông nếu vẽ phòng kín và hít nhiều trong thời gian dài gây hại phổi.
  • Dầu oải hương thơm dễ chịu. Không độc. Nhưng đắt gấp 2 – 4 lần dầu thông.

Dung môi rửa bút

Khác với dung môi để pha dung dịch, những chất dung môi này chỉ nên dùng để rửa bút. Các dung môi rửa cọ thường dùng bao gồm: Xăng trắng (white spirit), xăng không mùi, dầu thông, dầu hoả và các sản phẩm gốc dầu mỏ. Tất cả đều độc nếu ngửi nhiều trong phòng kín. Ngoại trừ, xăng không mùi dầu oải hương thì không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Các nhận biết độ an toàn của sơn dầu

Các tốt nhất để nhận biết một loại sơn dầu có độc hay không chính là dựa vào các ký hiệu có trên các sản phẩm màu sơn dầu. Dưới đây là các kí hiệu cảnh báo hóa học trên các nhãn sản phẩm sơn dầu.


Kí hiệu cảnh báo cháy nổ. Có trên các lọ dung dịch dung môi vốn là sản phẩm rất dễ bắt lửa.


Đầu lâu xương chéo hoặc chữ thập chéo là cảnh báo độc hại.


Kí hiệu nguy hiểm cho môi trường (cây khô và con cá chết).


Tóm lại, người vẽ cần lưu ý đến thành phần bột màu và các kí hiệu trên sơn dầu để xác định mức độ an toàn của sơn. Với các thông tin trên, Bụi hy vọng các bạn học viên đã có thể lựa chọn cho mình loại sơn dầu phù hợp nhất và an toàn cho sức khỏe của mình nhé!

Tags:

Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!