“Good manners will often take people where neither money nor education will take them”.
~ Fanny Jackson Coppin
Học vấn:
Trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội
Chuyên môn:
Ký họa; Phong cảnh; Màu nước
Phong cách/Phương pháp giảng dạy:
Đối với mình thì Hội họa cũng giống như các bộ môn Khoa học khác – Hội họa là một hệ thống tư duy logic liên kết chặt chẽ với nhau. Vậy nên mình thường khuyến khích học viên coi Hội họa như… Toán học: có công thức, có suy luận, có liên kết. Ngoài ra thì bộ môn còn có “tình cảm” – một yếu tố để phân biệt Hội họa – hay rộng hơn là Mỹ học với các bộ môn Khoa học khác.
Lớp học của mình thì sẽ khá “ồn”, vì mình còn trẻ nên sẽ dư năng lượng, thành ra học viên cũng từ đó mà “nói nhiều” theo. Tuy nhiên lớp vẫn sẽ có khoảng thời gian tập trung làm bài, hoặc những có những lúc bị mình “hành”, nhưng mà phải vậy mới học được nhiều, mọi người chịu khó nhé!
Mình thấy kết quả quan trọng nhất của học viên khi đi học là họ có sự thay đổi trong quá trình học, và họ chủ động được trong việc vẽ. Hai điều trên là thành quả quan trọng hơn việc tranh có đẹp hay không, vượt qua được bản thân đã là một nỗ lực lớn rồi.
Chia sẻ câu chuyện bản thân:
Mình nhận thức được năng khiếu hội họa từ khi còn rất nhỏ. Ba mình từng làm giáo viên mầm non, từng học thêm hội họa để dạy các cháu bé, bởi vậy mà ba cho mình bộ gen di truyền này.
Ngoài cho mình bộ gen rất trội về hội họa, thì ba cũng là một người bạn cho mình hỗ trợ về tài chính và tinh thần nhiều nhất. Ba tuy không đi dạy nữa nhưng hiện vẫn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, vậy nên mình thấy biết ơn và tự tin vì được nuôi dạy bởi ba. Giáo dục từ phụ huynh thì đâu có cách nào được quy là tiêu chuẩn và hoàn hảo, nhưng ba luôn gắng tạo điều kiện linh động tốt nhất cho con, để mình chủ động với chính cuộc đời mình.
Xuyên suốt những năm đi học thì nghệ thuật và thiết kế (hội họa, nhảy múa, sân khấu kịch,…) vẫn gắn bó với mình trong nhiều hoạt động trường lớp. Tuy vậy, mình từng không có ý muốn đi theo con đường trên. Mình ứng tuyển đại học Fulbright và không có duyên vào vòng cuối, nên cũng lưỡng lự thi Mỹ thuật. Thời gian đầu mình học Mỹ thuật khá miễn cưỡng vì Fulbright là ước mơ duy nhất của mình tại thời điểm bấy giờ, nhưng mình vẫn gắng chăm chỉ vì không buồn mãi được, thành ra càng học lại càng thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, và thế là mình gắn bó với Hội họa khăng khít hơn từ đó.
Ba có dặn mình rằng, không có sự học nào là dư thừa cả, nên được học gì mới, mình cũng sẵn sàng. Mặc dù không trực tiếp làm về Hội họa sau này, nhưng mình có duyên biết đến Bụi là nhờ rất nhiều bạn bè của mình làm việc trong đây. Thấy có người quen nên mình cũng đoàn tụ chung vào Bụi luôn! Thời gian làm việc ở đây thực sự giúp mình đi lên rất nhiều và cho mình một nguồn tài nguyên quý giá để hỗ trợ cho việc học Thiết kế – con đường chính của mình, hệt như những gì ba nói.
Đối với mình, Bụi là…
Đối với học viên và các bạn đồng nghiệp Bụi có thể là nhà, là chốn nghỉ ngơi.
Đối với mình, Bụi như một thư viện chứa nhiều dạng tài nguyên khác nhau: tài nguyên về tinh thần, về kiến thức, về cách ứng xử, về các mối quan hệ,…. và tất cả những tài nguyên mà Bụi có đều gắn bó với phần lớn sự trưởng thành của mình ở thời điểm hiện tại.
Bụi cho mình nhiều hơn là kinh nghiệm làm việc, vì còn có những mối quan hệ với học viên, với đồng nghiệp là điều mà mình trân quý nhất.