ĐỈNH CAO LÀ GÌ?

 Cuộc chiến hội họa của Matisse: 22 tình trạng nối tiếp (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới) để dẫn tới bức tranh “Khỏa thân hồng”, từ ngày 3 tháng 5 đến ngày 30 tháng 10 năm 1935

Theo một số nhà triết học, bất luận thế nào thì loài người vẫn luôn luôn ở xu hướng tiến. Cuộc sống của con người rất đáng để kỳ vọng.
Blawatzky, tác giả “Chìa khóa Thông thiên học”, xuất bản tại London 1889, đã kết thúc cuốn sách của bà như sau:
“…sang thế kỷ 21, trái đất này sẽ trở thành một thiên đàng so với cái đang là nó trong hiện tại” (in the twenty- first century this earth will be a paradise by comparison with what it is now)…
Và, ngày xưa cũng như ngày nay, con người vẫn luôn luôn leo lên đỉnh núi, dựng tháp cao, đặt ra những mục tiêu vĩ đại (trong cuộc sống, trong khoa học, trong nghệ thuật) – để hướng tới bầu trời.
Người nghệ sĩ, nhà khoa học lại càng không thể không có đức tin. Một bà xơ đã hỏi Matisse: “Ông có tin vào Chúa không?” Matisse trả lời “Có. Khi tôi vẽ”.

1. Có một câu chuyện lạ vừa mới xảy ra. Lạ không hẳn vì cái đầu hay cái thân của câu chuyện. Mà lạ chủ yếu vì cái đuôi của nó.
… Đài truyền hình Hà Nội, 2014, phát động một cuộc thi sáng tác “logo” mới cho đài. Họ phát động ai? Ồ, họ phát động tất cả mọi người, cả trong lẫn ngoài nước, “tout le monde”. Và họ gọi đó là cuộc thi mang tính “quốc tế”. Không biết quốc tế có ai thi không, nhưng nghe đâu cả bốn tác phẩm lọt vào vòng cuối đều của “Ta”.
Thế rồi, rốt cuộc, đùng một cái, cuộc thi ấy cũng đi đến chữ “quốc tế” thật: Quốc tế ở tư cách của ngài chủ khảo, “Tây” hẳn hoi nhé, một “đi-zai-nhê” người Ăng-lê (mà nghe đâu cũng là một trong những “đi-zai-nhê” nổi tiếng nhất thế giới “của thế kỷ 21”?!)
Kết quả? Hì, không có!!! Sao vậy??? Vì cái đầu của ông chủ khảo Ăng-lê chỉ có “lắc” mà không có “gật”. Mà lạ, lạ nhất, khi “xong” việc rồi, ổng mới chịu bảo: Cuộc thi này (cái cuộc thi “logo” ấy)… chưa từng có trên thế giới!!!

Hàng ngàn bức tranh bị loại tại Salon 1863, dưới tầng hầm Cung Kỹ nghệ (Paris), trong đó có nhiều tranh của các họa sĩ Ấn tượng. Đó cũng là lý do ra đời của các Triển lãm Ấn tượng kể từ lần thứ nhất năm 1874

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng chứa đựng thông điệp. Đây là điều không cần phải bàn cãi. Sai lầm của những người tổ chức ra cuộc thi “logo” cho Đài truyền hình Hà Nội mới đây – là ở chỗ: Họ đã coi cuộc thi này giống như một cuộc thi viết thư hoặc thi viết “slogan”, nhầm lẫn giữa thông điệp bằng chữ và thông điệp tạo hình ảnh bằng chữ…
Logo là một thể loại của nghệ thuật đồ họa ứng dụng. Sáng tạo logo là sáng tạo dựa trên một nền tảng kỹ thuật, là sáng tạo có điều kiện. Dĩ nhiên cũng đã có nhiều nghệ sĩ tham gia cuộc thi, nhưng chính chữ “thi” có thể đã hạn chế khả năng của các nghệ sĩ, vì người nghệ sĩ có chuyên môn – ngay từ đầu – đã bị đánh đồng, bị “tò te hóa”, và trên hết – bởi vì người nghệ sĩ đã không được tin.

2. Cuộc thi sáng tác “logo” nói trên, đương nhiên, chỉ là một ví dụ, và có thể là một ví dụ “điển hình” cho những cuộc thi hiện nay. Một đống tiền bỏ ra, không thu được gì. Giải thì có, nhưng không dùng được, bởi vì riêng trong những trường hợp kiểu này, người ta không thể sử dụng bất cứ cái gì ở dưới giải nhất cả…
Trên thực tế, trước 1995, ở nước ta chưa bao giờ có khái niệm “giải nhì đứng đầu” tại các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Kể từ đây, cái năm ấy, hình như các chữ “nhì”, “ba”, “khuyến khích” – xem ra – nghe mềm hơn, lọt tai hơn. Nghệ thuật mà, mênh mông lắm! Nếu “nhất”, hiểu thô là “đỉnh cao” – thì “nhì”, “ba”, thậm chí “khuyến khích” chắc hẳn đang tiệm cận đỉnh cao. Có thành tựu đấy chứ. Đỡ mệt, đỡ trách nhiệm, người được giải, người không được giải cũng đỡ tâm lý “ăn thua”, giám khảo thì lại có vẻ “oách”.
(Ở phương Tây, có khi người ta chấm cả giải nhất, nhưng là “nhất từ dưới lên”, chẳng hạn giải “Mâm xôi vàng”. Chấm bét kỳ thực khó hơn. Đó là lực nén xuống, để đẩy nghệ thuật bật lên).

3. Có nhiều nghệ sĩ tự phủ nhận (không phải phủ định) đỉnh cao của chính mình. Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: “Mọi người đều thích ‘Con nghé’, tôi thì không”. Theo Nguyễn Tư Nghiêm, trong nghệ thuật, đánh giá thường có thiên kiến, “sự đời vẫn vậy, cái mình thích chưa chắc đã là cái mà người ta thích, và ngược lại”…
Trần Văn Cẩn thì coi “Em Thúy” như một phác thảo. Với Nguyễn Sáng, “Giặc đốt làng tôi” cũng là phác thảo. Về tranh lụa “Chơi ô ăn quan”, chính Nguyễn Phan Chánh cho rằng trông giống tranh bột màu.
… Đã có hàng trăm nghệ sĩ Pháp danh tiếng ký tên phản đối xây dựng “con quái vật sắt” Eiffel, ngọn tháp mà về sau Apollinaire đã ví như một cô gái chăn cừu, mà đàn cừu là những cây cầu bắc qua sông Seine.
Khi vừa mới chào đời, “Các cô ả thành Avignon”- thánh kinh của hội họa hiện đại, theo đánh giá của Matisse – thì nó đã “đánh đắm” chàng trai trẻ Picasso; Braque thì phải kêu lên: “Tôi như bị Picasso tống dầu hỏa vào cổ họng”.
… Năm 1947, trong một cuộc trò chuyện với Alain Bosquet, Dalí nói: “Tôi, tức Dalí chí thánh của ngày hôm nay, không hề có khả năng làm ra được thậm chí chỉ một bản sao tầm thường của Bouguereau hoặc Meissonier, cả hai có lẽ đều vẽ giỏi hơn tôi gấp ngàn lần”. Song, sau đó, về Picasso – người mà Dalí đã từng tôn là “hoàng đế của tôi” – thì Dalí nói thế này đây:
“Rõ ràng, tôi có thể làm tốt hơn so với Picasso. Ông ấy thậm chí còn chả biết sử dụng màu sắc thế nào”. Hê hê!
Francis Bacon đi vào nghề vẽ là do tác động từ một cuộc triển lãm của Picasso ở Paris. “Sau Picasso – Bacon nói – tôi thực sự đếch biết ai”. Tuy nhiên, Francis Bacon không thích “Guernica”, “tác phẩm đó có tầm quan trọng đáng kể như một sự kiện lịch sử, nhưng tôi không nghĩ đó là một trong những tác phẩm tốt nhất của Picasso”…
(Trong thời kỳ quân Đức chiếm đóng Paris, viên đại sứ Đức Otto Albetz đến gặp Picasso và hỏi ông có cần than để sưởi không. Picasso trả lời: “Một người Tây Ban Nha không bao giờ lạnh”. Khi Otto Albetz ngỏ ý muốn cùng Picasso chụp ảnh bên cạnh bức tranh “Guernica”, hắn nói: ‘Là ông đã tạo ra nó như thế”. Picasso đáp trả: “Không, là các ông”).
Có người gọi Picasso là “kẻ thủ tiêu hội họa”, làm tất cả để rồi đặt lên hội họa một dấu chấm hết. Picasso thì ngược lại, ông nói: “Hội họa mạnh hơn tôi”. Picasso sống thọ 92 tuổi, vẽ “Các cô ả thành Avignon” năm 26 tuổi, vẽ “Guernica” năm 56 tuổi; vào lúc sau lưng Picasso đã có hàng loạt những đỉnh cao do chính ông tạo nên, ông vẫn cho rằng: “Tôi không thể tiếp tục đi, nếu còn ngoái cổ”…
Matisse vẽ trang trí cho nhà thờ Rosaire ở Vence (các hình họa đen trắng in trên gốm và tranh kính màu). Vẽ xong, hình như người ta đã thề không bao giờ thuê các họa sĩ “hiện đại” trang trí cho nhà thờ nữa. Đến nay, tác phẩm ấy được coi là một đỉnh cao. Riêng Matisse nói: “Tôi tin là có cuộc đời thứ hai… trên một thiên đàng nào đó, tôi sẽ làm những bức bích họa”.
Không ít người khẳng định: Đỉnh cao nghệ thuật chỉ được tạo nên duy nhất từ nhu cầu riêng tư, thuần khiết của người nghệ sĩ. Điều này đúng, đặc biệt trong các trường hợp của Van Gogh, Gauguin hay Cézanne. “Nếu người đời không hiểu tôi, thì tôi lui về”, Cézanne nói. Nhưng, sự thật, cũng có rất nhiều đỉnh cao xuất phát từ những bản hợp đồng hoặc những lời đề nghị (chẳng hạn một số tác phẩm của thời kỳ Phục hưng, kể cả “La Joconde” của Leonardo da Vinci, hay như “Guernica” của Picasso, “Điệu nhảy” của Matisse, “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ” của Tô Ngọc Vân).

4. Nguyễn Gia Trí nói: “Nghệ thuật không có thi đua”.
Như vậy, vô hình trung, ông cũng phủ nhận luôn các cuộc thi trong nghệ thuật. Giống như các cuộc thi hoa hậu (mà ngày nay nhiều đến mức khó tin), mọi cuộc thi đều làm giảm đi các khả năng, làm nghèo nghệ thuật, nghèo cái đẹp.
Không phải giải thưởng nào cũng tồn tại được như là những đỉnh cao, và đa số là thế. Giải thưởng thường là cái “nhất thời”, thậm chí “ăn may”, thuộc về “Vận”.
Đỉnh cao thì rất ít, mà giải thưởng thì vốn nhiều vô kể, thống kê trên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trang sách không hết.
Nước Anh, kể từ Isaac Oliver (1551-1617), phải đợi gần hai thế kỷ mới có nổi một họa sĩ đáng kể đầu tiên là Turner. Thế kỷ 20, Henry Moore đứng đầu cuộc “nổi loạn” và làm nên cả nền điêu khắc hiện đại Anh. Người Trung Hoa vẽ và tu tập thư pháp ngót hai ngàn năm, nhưng số họa sĩ – văn nhân có tên tuổi chưa tới 300. Năm 1982, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng 10 Nga, Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) đã xuất bản cuốn “Nghệ thuật tạo hình Liên bang Xô-viết”, trong đó cũng chỉ giới thiệu 50 họa sĩ và nhà điêu khắc tiêu biểu của toàn liên bang.

5. Các tác phẩm đích thực, các đỉnh cao của nghệ thuật – chính – là – các “tai biến” (accidents) trong nghệ thuật (theo cách nói của Francis Bacon).
Thành công, theo người Trung Hoa hiện đại, phụ thuộc vào bốn yếu tố: 1. Vận; 2. Mệnh; 3. Phong thủy; 4. Độc thư (đọc sách). Đỉnh cao, có lẽ chủ yếu thuộc về “Mệnh”. Mệnh có vững thì mới có thể có đỉnh cao.
Cách đây mấy năm, người Nga có bày một cuộc triển lãm hội họa, với tiêu đề: “Những thiên tài vô danh”. Và, chỉ có trời mới biết, xưa nay, ở nước Pháp, nước Nga, nước Trung Hoa, nước Nhật Bản, người ta đã cần phải có biết bao nhiêu thiên tài vô danh như thế – để tạo nên những “Mệnh lớn” cho những nền nghệ thuật lớn.
Nguyễn Tư Nghiêm nói: “Nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 có để lại một vài tên tuổi”. Và, ông chỉ kể tên có ba người: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân.

6. Người ta tin rằng: Quỷ Sa-tăng có thể làm được mọi thứ hệt như Chúa đã làm, chỉ trừ sự sống.
Trong cuốn sách vĩ đại “Về cái tinh thần trong nghệ thuật”, theo Kandinsky, sức sống của nghệ thuật được rút từ “sự thiết yếu bên trong”. Hầu như ông không đề cập đến cái gọi là “đỉnh cao” – mà chủ yếu nhấn mạnh vào tính “có ích” của nghệ thuật. Kandinsky chống lại “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Sự thiết yếu bên trong kể trên, cũng theo Kandinsky:
“Xuất hiện từ ba lý do thần bí. Được tạo nên bởi ba yếu tố thần bí:
1. mỗi nghệ sĩ, ở tư cách là người sáng tạo, phải biểu lộ cái riêng của mình (yếu tố cá tính).
2. mỗi nghệ sĩ, ở tư cách là con đẻ của thời đại mình, phải biểu lộ cái riêng của thời đại mình (yếu tố phong cách trong giá trị bên trong, cấu thành từ ngôn ngữ thời đại và ngôn ngữ dân tộc, chừng nào dân tộc còn tồn tại ở tư cách đó).
3. mỗi nghệ sĩ, ở tư cách là kẻ phụng sự nghệ thuật, phải đem đến cái riêng của nghệ thuật nói chung cho nghệ thuật (yếu tố mang tính nghệ thuật thuần khiết và vĩnh cửu, mà nó đi xuyên qua tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đại, cái đó sẽ được nhận ra ở tác phẩm nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ, của mỗi dân tộc, của mỗi thời đại và ở tư cách là yếu tố chính của nghệ thuật, không hề biết đến không gian và thời gian)”…
Người nghệ sĩ không nên và không bao giờ nên trông đợi gì vào cái “bên ngoài”. Marx đã từng nói: “Hoàn cảnh tạo ra con người ở mức độ con người tạo ra hoàn cảnh”.
Đỉnh cao trong nghệ thuật, rốt cuộc có hay không có – là – ở – người – nghệ – sĩ.
“Tất cả mọi phương tiện đều thiêng liêng khi chúng là thiết yếu từ bên trong. Tất cả mọi phương tiện đều có tội, nếu chúng không bắt nguồn từ cái gốc của sự thiết yếu bên trong” (Kandinsky).

Quang Việt

Tags:

Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!