BỤI XƯỞNG – ĐẶC BIỆT HƠN CẢ MỘT LỚP HỌC VẼ

Với mong muốn tạo ra sân chơi nghệ thuật cho tất cả người Việt đam mê hội họa, Mỹ thuật Bụi – một cơ sở dạy vẽ cho người không chuyên đã chào đời cách đây hơn 7 năm. Sự thành công của một câu lạc bộ nhỏ nằm trên phố Chùa Láng (Hà Nội) đến chuỗi cơ sở với hàng trăm ngàn học viên chứa đựng cả một câu chuyện dài của những nghệ sỹ bước chân vào con đường khởi nghiệp.

80556289 1922272501249731 4583223158487646208 n


    Lớp người lớnLớp trẻ em


    Từ căn gác nhỏ 15m2 đến 8 cơ sở với hơn 20.000 học viên

    Thời điểm cách đây 6-7 năm, có rất nhiều địa chỉ đào tạo mỹ thuật ở Hà Nội được mở ra nhưng tuyệt nhiên không có trung tâm nào dành cho những người không chuyên có niềm đam mê với hội họa. Để giải bài toán này, mùa đông 2014, Lê Đại Dương lúc đó đang là sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại thương đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra sân chơi cho tất cả mọi người không chuyên.

    Hình thức hoạt động của nhóm này tương tự một câu lạc bộ sinh viên. Nghĩ là làm, ngay sau Tết năm con Ngựa, anh Dương và thầy của mình là anh Nguyễn Lý Bằng cùng một người bạn mở một khóa mỹ thuật đầu tiên. Những học viên đầu tiên của nhóm chủ yếu là sinh viên trường Đại học Ngoại thương. Vậy là Bụi ra đời từ đó, một sân chơi vẽ vời dành cho những người không chuyên đam mê hội họa.

    “Sau một thời gian mở Bụi, chúng tôi nhận ra việc chia sẻ về mỹ thuật không quá xa vời như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại nó còn rất có ích cho mọi người, tất cả các học viên đều hưởng ứng. Khi đó chúng tôi đều là sinh viên, hai người dạy vẽ và người còn lại phụ trách các vấn đề khác cho công ty. 2 năm đầu, câu lạc bộ chủ yếu là sân chơi của sinh viên của các trường với nhiều hoạt động có phí và không có phí thông qua các mô hình ngoại khóa, vẽ tranh theo chủ đề…”, anh Bằng – người đồng sáng lập Bụi chia sẻ.

    134429490 3608142309300027 8142011711072747891 n

    “Hội sở” đầu tiên của Bụi nằm trên đường Chùa Láng (Hà Nội) có diện tích chẳng khác nào một phòng trọ sinh viên với 15m2. Ban ngày nơi đây là cửa hàng giày, ban đêm mọi người dọn dẹp và trang trí mở lớp. Kết thúc lớp học, thầy trò lại cùng thu dọn để trả mặt bằng ngay trong buổi tối. Chi phí để chi trả cho câu lạc bộ chủ yếu dựa vào số vốn ít ỏi của sinh viên ngày đầu khởi nghiệp và một ít tiền học phí của học viên.

    Sau một thời gian ngắn, Bụi đầu tư thuê thêm một cơ sở khác ở đường Láng (Hà Nội). Đó cũng chỉ là một căn phòng nhỏ bên dưới là cửa hàng sửa xe máy, tầng 2 là lớp học và bên trên là những nhà trọ. Bụi gắn bó cùng cơ sở đó được 2 năm và lớp học đó mang đúng tính chất sinh viên thời đầu của Bụi.

     

    Hành trình đi tìm lời giải cho bài toán Nghệ thuật – Giáo dục – Kinh doanh

    Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với những người chuyên về làm nghệ thuật. Những ngày đầu, Bụi luôn phải đấu tranh giữa việc kiếm tiền và tạo sân chơi nghệ thuật bởi đến quá nửa đội ngũ nhân sự là nghệ sĩ.

    “Tôi luôn muốn dạy mọi thứ cho học viên và không cần quan tâm đến giới hạn số buổi học hay học phí. Nhưng Bụi cũng phải xoay vần để các giảng viên có thu nhập rồi tiếp tục sống, theo đuổi nghề. Bụi cứ chật vật như thế cho đến khi tham gia những cuộc thi khởi nghiệp và có thêm niềm tin, nguồn lực để chuyển hướng sang mô hình kinh doanh mới”, anh Bằng tâm sự.

    82061014 1937789009698080 5832337963291246592 n

    Tuy nhiên, khi nhận được đầu tư, có nguồn lực hơn thì sự phát triển sau đó cũng là bài toán đau đầu với Bụi. Ở thời điểm tài chính ổn định thì vấn đề nhân sự lại mang đến cho Bụi những thách thức mới. Việc phát triển về số lượng cơ sở kéo theo những yêu cầu về nguồn lực và chất lượng giảng viên. Để Bụi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi chất lượng, tâm huyết đội ngũ nhân sự có đúng sứ mệnh tầm nhìn và định hướng ban đầu của Bụi hay không cũng là vấn đề không dễ?

    Điều khác biệt ở Bụi có lẽ là sự cập nhật theo thời đại để cho ra đời những sản phẩm mang hơi thở cuộc sống. “Ngày hôm nay xu hướng là gì, nội dung của năm nay là gì… đều ảnh hưởng đến tư duy và góc nhìn của mỗi người và việc dạy và học của thầy và trò cũng bắt buộc sẽ thay đổi theo.

    Chúng ta không thể vẽ mãi một bộ ấm tích, một quả táo, bình hoa…. trong suốt một chương trình từ cấp 1 đến cấp 2. Bụi luôn ám ảnh bởi sự đổi mới và dựa vào sự đổi mới đó để tạo ra nét riêng cho mình. Phải chật vật mất 2-3 năm, mọi thứ mới dần đi vào ổn định, đó là cả một nỗ lực rất lớn của Bụi. Qua thời gian va vấp và trưởng thành Bụi đã kết hợp được việc làm kinh tế nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật” – anh Bằng chia sẻ.

    Bụi Xưởng – Đặc biệt hơn cả một lớp học vẽ

    Có thể nói, hiếm có một cộng đồng nào xây dựng bằng hình thức “truyền miệng” nhưng lại vững chắc và ngày một lớn dần theo thời gian như Bụi. Thuận lợi lớn nhất mà Bụi có được là sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng từ chính học viên, kể cả những người chưa từng học ở Bụi. Họ thực sự đã trải nghiệm và chứng minh rằng nó có ích, họ lan tỏa điều đó cho cộng đồng được biết. Mọi người thực sự thấy chia sẻ đó có ích cho người khác. Sự quan tâm của cộng đồng giúp Bụi có niềm tin để làm tiếp, để tin rằng điều Bụi làm có ích với mọi người.

    Tại Bụi, không khó để tìm thấy những học viên là cô chú, anh chị đã học liên tiếp 3-4 năm. Chứng kiến quá trình học hỏi này, ai cũng cho rằng, đó là một nỗ lực “khủng khiếp” của những người không chuyên. Và có lẽ chỉ ở Bụi mới có những học viên đi học từ 6 tuổi đến trên 60 tuổi.

    Đến với Bụi, học viên đi học để vui vẻ hơn, có động lực, điểm tựa để cân bằng lại cuộc sống. Các thành viên đến với Bụi cho rằng, học vẽ cũng giống như học thiền, học hát, học nhảy… không phải ai cũng sẽ làm ca sĩ, ai cũng sẽ làm vũ công.

    anhbosung3 1590568289048845775298

    “Tôi còn nhớ một buổi tổng kết năm của lớp vào những ngày cận Tết, hồi đó số học viên chưa đông nên tôi tham gia hầu hết các hoạt động của lớp. Trong những lời chúc của học viên có một câu nói mà tôi luôn ghi nhớ và đến tận giờ vẫn lấy làm phương châm hoạt động của công ty: “Dù sau này Bụi có phát triển, mở rộng như thế nào đi nữa thì cũng đừng đánh mất “chất” của riêng mình. Làm sao để học viên đến đây không chỉ để học vẽ mà còn là nơi sinh hoạt, gắn kết với nhau”, anh Bằng tâm đắc khi nói về Bụi.

    Bụi thường sắp xếp từng nhóm học viên có điểm chung với nhau như nhóm các học viên đều làm công sở, bán hàng, sinh viên… Chính nhờ sự sắp xếp này đã giúp các học viên gắn kết với nhau hơn. Có những người đến lớp học rồi mới nhớ ra đã từng gặp nhau trong công việc, cuộc sống. Đó cũng là điểm khiến nhiều học viên gắn bó một thời gian dài với Bụi hơn là một khóa học.

    Với một người đã gắn bó từ ngày “trứng nước” của Bụi, gần như cả thanh xuân của anh Bằng đều là những kỷ niệm gắn với nơi này. Bên cạnh những niềm vui tinh thần, vẫn luôn có những nỗi buồn âm ỉ trong lòng người gây dựng nên Bụi như anh Bằng. Anh tâm sự: “Trong nhiều năm gắn bó với không biết bao nhiêu lứa học viên, đôi khi là chia sẻ cả cuộc sống, thấy họ trưởng thành, lập gia đình và nhiều thứ khác nữa. Nhiều lúc bản thân chợt nghĩ rằng cả tuổi trẻ của tôi cùng với họ đã bị thay đổi đi mà không biết vì sao”.

    248949476 4511408112284818 850701845331641251 n

    Đôi lúc nhìn lại anh Bằng có chút hụt hẫng nhưng sau này nghĩ rằng đã làm việc ý nghĩa thì tất cả mọi người đều giống nhau. Thay vì tiếc nuối quá khứ những mối quan hệ cộng đồng thì hãy cố gắng mở rộng ra và có những tập cộng đồng khác. Nỗi buồn ấy dần trở thành động lực, thành giá trị sống cho những lý tưởng sau này của Bụi

    Trầm ngâm nhìn những bức tranh của học viên, anh Bằng cho rằng anh nên đứng đằng sau của tấm màn, đằng sau sân khấu để tất cả tình yêu mà mọi người dành cho anh cũng sẽ tiếp tục được truyền tải tới các thành viên khác ở Bụi. Và hi vọng những tình yêu đó sẽ lan tỏa để kết nối các thành viên ở đây để Bụi có thể trở thành mái nhà chung, một nơi mà các học viên luôn có thể nghĩ đến sau những bộn bề công việc. Và chỉ cần như vậy, những người đứng sau sân khâu như anh Bằng sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và có thêm động lực, tâm huyết dành cho sự phát trển của Bụi.

    Sau khoảng 2-3 năm đã có nhiều cơ sở, mô hình tương tự Bụi ra đời. Những mô hình đó đều ra đời với đều mục đích muốn tạo một môi trường nghệ thuật cho cộng đồng nhưng cách làm của từng nơi lại khác nhau. Ở Bụi, hiện số học viên lên đến chục nghìn nhưng vẫn “cầm tay chỉ việc” chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa”.

     

    Ước mơ bước chân ra làng hội họa thế giới

    Nói về dự định cho tương lai, anh Bằng cho biết Bụi muốn định vị lại cách mọi người quan tâm về mỹ thuật ở Việt Nam. Phổ cập Mỹ Thuật đại chúng và qua đó chung tay nâng cao thẩm mỹ cộng đồng. Bụi tin rằng trong tương lai Bụi sẽ biến việc học mỹ thuật trở thành một điều bình thường trong cuộc sống, nó sẽ giống như việc chúng ta đọc sách, tập hát, tham gia các hoạt động thể dục – thể thao…

    Trong quá trình hiện thực hóa những ấp ủ đó, Bụi phát hiện ra rằng không thể nào làm giáo dục nghệ thuật nếu làm từ ngọn. Công cuộc giáo dục nghệ thuật tốt nhất là bắt đầu từ gốc, phải bắt đầu từ bạn trẻ có niềm đam mê nghệ thuật. Và “Bụi Nhỏ” ra đời từ đó.

    anhbosung7 1590568934172602075285

    Anh Bằng tâm sự, khi đã định vị được việc học nghệ thuật ở Việt Nam, Nam, vươn đến ước mơ mỗi học viên của Mỹ thuật Bụi đều có thể học tại bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước, Bụi muốn tiến xa hơn ở thị trường nước ngoài. Những môi trường nghệ thuật lớn trên thế giới không phải nơi nào cũng có truyền thống phát triển nghệ thuật lâu đời.

    Cũng giống như ở Hongkong, Singapore, Trung Quốc… đã từng làm được thì Bụi mong muốn sẽ là một mắt xích và cũng là một bước đệm trong con đường phát triển nghệ thuật của nước nhà bằng cách cung cấp kiến thức nền cho số đông và tạo môi trường tốt nhất cho tất cả mọi người có thể theo đuổi sở thích của bản thân. Ý tưởng phát triển mô hình “Bụi” tại khu vực Đông Nam Á hoặc xa hơn nữa chưa bao giờ dừng trong tâm trí của đội ngũ sáng lập Mỹ Thuật Bụi.

    “Nếu chỉ đi học và khi kết thúc khóa học học viên thu về cho mình một bức tranh đẹp mà không biến sở thích đó thành niềm đam mê hoặc ít ra là sự thay đổi cảm quan về nghệ thuật thì sứ mệnh truyền cảm hứng mới dừng lại ở phần ngọn. Cái quan trọng không phải là thành quả của vật chất mà chứa đựng trong đó là tình cảm, tinh thần và cảm xúc. Cảm xúc bắt nguồn từ những nét vẽ đầu tiên, khi những nét vẽ này có hồn, tạo ra một tổng thể thì bản thân người vẽ sẽ cảm thấy tinh thần tốt hơn, tâm hồn hướng thiện hơn. Đó là đích đến sâu xa mà giáo dục nghệ thuật, người truyền cảm hứng nghệ thuật cần hướng tới” – anh Bằng chia sẻ.

    anhbosung6 1590568621342901277509

    (Theo Kim Dung – Dương Trí, Báo Gia đình Online)

    Tags:

    Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

    Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!