Phỏng vấn Giang rất thú vị, thỉnh thoảng, chúng tôi lại dừng chỉ để… cười. Ít ai ngờ Giang – một cô bé “auto nhảy nhót” khi có nhạc và luôn khuấy động không khí trong bất cứ cuộc gặp nào, lại từng là một người kém giao tiếp, dễ khóc và tủi thân, được nhận vào làm Giảng viên tại Bụi Hà Nội một phần nhờ… nước mắt.
Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCC
Vốn có năng khiếu vẽ từ nhỏ, học vẽ luyện thi với các anh chị lớn từ năm lớp 8, thi đại học “một phát đậu ngay”, nhưng Giang lại có điểm yếu về giao tiếp, một lí do thích vẽ vì… không cần nói. Để được nhiều học viên yêu mến như hiện tại là một quá trình thay đổi, học hỏi và cố gắng của Giang. “Vào năm lớp 5, em đã đạt giải nhất một cuộc thi vẽ toàn quốc. Có phóng viên đến phỏng vấn và viết bài. Nhưng em chỉ ngồi đó, không nói được gì, phóng viên phải… tự bịa để lên bài.” – Giang nhớ lại và cười lớn.
Bén duyên với Bụi nhờ người bạn chung lớp Đại học Hùng Anh. Nghe bạn rủ rê “làm ở đây vui lắm”, vậy là Giang quyết định sẽ thử sức. Thế nhưng chính tâm lí ngại giao tiếp với người lạ, lại bị xếp vào các lớp khác nhau khi thực tập khiến Giang càng bối rối hơn. “Em chậm lắm, không thích nghi ngay được. Học viên phải gọi “Giang ơi” thì mới biết họ có cần mình hay không. Cứ lơ ngơ nên nhiều học viên không hài lòng” – Giang chia sẻ.
Khi nhận được thông báo “Vì nhiều lí do chúng tôi không nhận em” từ anh Bằng, Giang bức xúc khi “chưa có cơ hội làm gì hết đã bị đuổi” và quyết định thuyết phục để mình được giữ lại, bằng lí lẽ, hứa hẹn cố gắng và cả bằng… nước mắt. “Chắc em là người đầu tiên ở đây được nhận việc nhờ nước mắt” – Giang cười thú nhận.
“Em rất thích dạy lớp Cọ mầm dù nhiều lần khóc khi quát hay nói dịu dàng các em cũng không nghe. Các em còn nhỏ, bị ảnh hưởng rất mạnh bởi người dạy, giống kiểu sư phụ dạy cho “đệ tử chân truyền” vậy, phải giải thích theo ngôn ngữ của các em và thật thuyết phục, nghĩ theo cách nghĩ của các em mới thành công.”
Đang làm leader của môn Phong cảnh và căn bản tại Bụi Hà Nội, Giang vẫn quyết định vào Bụi Sài Gòn để học hỏi thêm những điều mới. Hiện tại Giang đã học về màu nước và sơn dầu nâng cao. “Chị nhớ thêm chữ “nâng cao” vào nhé, để nghe em chuyên nghiệp hơn” – Giang dặn dò.
Đối với Giang, học là một niềm vui. “Hồi bé mẹ cho em đi học vẽ và rất nhiều môn khác như bơi, đóng kịch… Cứ cho đi học là em thích. Em đã đi học một ngày, thì sẽ đi học mãi.” Việc Giang học Mỹ Thuật, theo nghề hoạ sĩ không được gia đình ủng hộ, nhưng cũng không bị ngăn cản vì mẹ Giang luôn tâm niệm “Làm gì thì làm, hạnh phúc là được”. “Gia đình em ảnh hưởng rất nhiều đến em. Mẹ em đối xử rất tốt với mọi người, khi em cần gì sẽ luôn cố gắng hỗ trợ nhiều nhất trong khả năng của mình”
Trong mắt học viên, cô Giang lại như một “idol” vì năng lượng tích cực, sự nhiệt tình, kĩ lưỡng. Về chuyên môn giảng dạy, hai Giảng viên ảnh hưởng nhiều đến Giang chính là thầy Bằng và thầy Khôi. “Sếp Bằng là một người đam mê sự thay đổi, dăm bữa nửa tháng lại lôi giáo trình và hỏi có cần thay đổi gì không vì “Một công ty không có sự thay đổi thì là công ty chết”. Còn ấn tượng của anh Khôi mang đến cho người khác rất mạnh, mỗi ngày dạy chung với Khôi đều có rất nhiều cảm xúc bởi phương pháp sư phạm dìm hàng học viên, chê bai học viên có lúc đến khi học viên mắt rơm rớm, “đẩy học viên đến vực thẳm để học viên tự bò lên”
Giang từng viết: “Có lẽ mình là một người quá may mắn, luôn được nhận tình yêu thương. Lúc nào cũng có những người bạn, người anh em, gia đình ở bên cạnh. Có lẽ đúng như người ta nói: ”Nếu bạn cảm thấy cuộc sống này dễ dàng, tức là đã có người gánh thay bạn phần gian khó“. Đôi khi có lúc lên trường, chúng bạn hỏi: ” Dạo này?” là đã cảm thấy ấm áp. Đôi khi một cái ánh mắt nhìn chăm chú thông cảm của một người nào đó đi ngang qua cũng là động lực cho mình đứng lên. Những lúc đi làm, sếp nhìn mình như con dở hơi, nhưng lại có lúc mua đồ cho mình ăn, có lúc buông mấy câu bâng quơ khiển trách, nhưng cũng có lúc bâng quơ bảo mày đã tiến bộ lên nhiều. Một vài chuyện, một vài người, tuy nhiều khó khăn, nhiều mệt mỏi, nhưng cũng có những niềm vui nho nhỏ. Thấy rất lạ, có phải vì khi người ta kiệt quệ về cả tinh thần và thể chất, thì tình cảm dù ít vẫn như được đong đầy”
“Suy đi tính lại, thì nỗi buồn nào cũng sẽ qua, chỉ là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực thôi , và quan trọng là kiên nhẫn đợi niềm vui tới, một ngày mới nắng lên. Mà thật ra, càng dễ buồn lại càng dễ vui, buồn vì chuyện con kiến thì cũng vui vì hạt gạo.”
Dù Giang thú nhận dự định tương lai của bản thân chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn việc Giang học tập điều mới sẽ không ngừng lại. Trong tiếng Nhật, Baka có nghĩa là “ngốc nghếch”, đặt tên Baka trong tên “Giang Baka” là điều Giang muốn nhắc nhở bản thân: “Hãy cứ dại khờ, đừng quá quan trọng những gì người xung quanh nói. Có thể điều người khác cho là ngu ngốc nhưng lại chính là điều bản thân nên làm”.
Xem Video Clip Giang hướng dẫn vẽ tại ĐÂY
Một số tác phẩm của Giang Baka:
Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!
Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!
25/11/2022
21/11/2021