Đinh Ngọc Sơn – Chất “nông dân” của người hoạ sỹ

Là một giáo viên kiêm “cây bút “của Bụi với nhiều bài phân tích hội hoạ sâu sắc, khi chia sẻ về chính bản thân mình, Sơn  thường xuyên nhắc đến tình cảm dành cho đồng quê, lối xóm và ước mơ xây dựng… một nông trại. “Nhưng thứ ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy hội họa lại không phải gia đình, cũng không phải bởi một thầy nào truyền cho. Nó đơn giản và từ từ đến từ nơi mình sinh ra và lớn lên, từ những kỷ niệm rong chơi sườn đồi, góc xóm.

1. Lí do anh theo đuổi hội hoạ là gì?

Ngày bé bố hay vẽ báo tường cho các anh chị trong xóm đến nhờ ở nhà với tờ giấy “to bằng cái chiếu” thích lắm.
Rồi mỗi lần khóc quấy, chỉ cần bố vẽ cho xem là mình nín ngay.
Lớn lên chút thì như bao bạn nhỏ trẻ con khác đều thích vẽ nguệch ngoạc lên sách vở thôi.
Hội hoạ đi vào mình đơn giản đến thô sơ như vậy. Nặn óc mãi không ra câu chuyện nào về “thiên tài được chọn” cho lâm li nên đành thô mộc như thế mà kể thật vậy.
Định hướng của mình chỉ thực sự đến khi mùa hè năm 2006, khi ấy mình học lớp 8. Được mẹ cho đi học vẽ cùng các anh chị lớp 12 đang luyện thi mỹ thuật (nghỉ hè cứ lêu lổng ngoài đường nên mẹ cho đi học vẽ cho đỡ quậy thôi. Chứ nào có phải khuyến khích thiên hướng nghệ thuật gì đâu) và là lần đầu tiên mình biết thi hội họa là thi khối H.
Từ đó hè nào mình cũng đi học vẽ tượng, vẽ màu bột…
Cấp ba, mỗi lần trốn ra quán net chơi game thì mình đều dành 30 phút đầu để ngắm tranh và đọc về trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam.
Hồi đó là cả một ước mơ cao vời vợi. Giờ thì thấy bình thường vời vợi…(cười)
Nhưng thứ ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy hội họa lại không phải gia đình, cũng không phải bởi một thầy nào truyền cho.
Nó đơn giản và từ từ đến từ nơi mình sinh ra và lớn lên, từ những kỷ niệm rong chơi sườn đồi, góc xóm.
Những chiều cuối mùa lăn lộn trên cánh đồng với đám trẻ làng hay những buổi lang thang một mình dọc bờ suối, mình hay có sở thích đi một mình dọc bờ suối như vậy.
Sau này lớn lên, suối đã bẩn, cây đã trụi vì thuốc cỏ, đồi thì trọc lốc.
Những gốc cọ năm ấy đâu còn nữa… những nhung nhớ của năm xưa thôi thúc mình xây dựng lại thế giới mà mình từng sống – trong những bức tranh.
Không phải để thấy lại hình ảnh đó, mà để tìm lại cảm giác đó. Một lần nữa.
Nghệ thuật là khoa học của cảm xúc mà.
Cách chọn nghề nghiệp của mình thì rất rõ ràng rồi. Quan điểm của mình là thích thì mới giỏi được. Còn nghề nào mà dốt thì cũng nghèo hết thôi (mặc dù bây giờ vẫn nghèo, nhưng hơn cái là làm cái mình thích). Và may mắn là gia đình mình cũng không phản đối. Họ đã cho mình đi vào hội hoạ như thế.

2. Như vậy cũng tính là anh là “con nhà nòi” rồi, vì bố anh cũng vẽ đẹp?

Bố mình vẽ đẹp trong xóm thôi. Chứ giờ thì mình thấy như học viên ấy mà (Cười)

3. Cơ duyên khiến anh làm việc tại Mỹ Thuật Bụi là gì?

Mình biết Bụi ngay từ những ngày đầu thành lập và vẫn đến chơi từ hồi còn bên đường Láng vì mình chơi cùng anh Bằng mà (thành phần con ông cháu cha ở Bụi đấy nhé!)
Sau này cũng là anh Bằng gọi mình về làm cùng Bụi vào mùa hè năm 2018, trong một thời điểm khó khăn và đen tối nhất của tuổi 20 của mình. Đó là một duyên nợ mà mình thực sự phải biết ơn.

4. Có vậy thôi ạ? Em lấy status của anh đăng để mọi người hiểu rõ hơn nhé?

Khi kết hợp tus thì em cứ đóng mở ngoặc kép ra cho rõ là được.
“Mười năm trước lơ ngơ xuống Hà Nội. Nhảy vào lớp luyện thi và gặp người bạn mà mười năm sau sẽ trở thành sếp, thành đồng nghiệp.
Lại nói về ngày ấy. Hắn học trước mình mấy tháng và đang bá chủ cái lớp luyện thi, chuyên đi sửa bài cho bọn lơ ngơ chât thụt chân thò khi qua đường Hà Nội như mình.
Người hắn gầy đét, mụn nhọt tùm lum nên có biệt danh là ghẻ: Bằng Ghẻ!
Mình thì hồi đó mới tốt nghiệp bậc thành chung, béo tốt đẹp trai ngời ngời. Phải mỗi cái vẽ xấu.
Sau bao bể dâu thăng trầm. Cùng ôn thi vào nhạc hoạ rồi năm sau lại dắt díu nhau đi ôn thi lên Yết Kiêu.
Thằng khoa này, đứa khoa kia.
Bỏ cả tết dắt nhau lên chùa Hương vẽ chân dung để phải ăn bát bún 530k.
Chạy về bờ hồ vẽ chân dung mùng 5 tết.
Lên hang núi Trầm đốt hương chụp ảnh tự xướng như đồng bóng.
Rồi bẵng đi có khi ít gặp. Vì hắn bận với sự nghiệp nuôi cho Bụi sống với mức lương có tháng 45k (là đô thì tốt quá, tiếc là VND).
Mình thì học xong lại muốn xây dựng nông trại. Thế là cả mấy năm không gặp. Cưới hắn cũng không đi chỉ vì hết sạch cả tiền.
Rồi một ngày hắn nhắn cho mình “Hay mày đi dạy học đi”. Chốt liền. Mình đi dạy nhẹ nhàng và đơn giản như thế. Cái điều mà trước giờ chưa bao giờ nghĩ tới.
Đến sau này hắn vẫn hỏi mình: “Sao mày lại có thể đi dạy được nhỉ? Tao cứ nghĩ mày đ… bao giờ làm giáo viên được cơ!”
Thế đấy!
Có khi cái nghiệp nó chọn mình chứ mình không chọn nó.
Cũng như việc mình gặp ai ngày đó mình cũng không bao giờ lựa chọn được.
Giờ thì hắn đã là sếp, là đồng nghiệp, là một người bạn.
Chúc cho Bụi của hắn – không phải với tư cách một nhân sự của Bụi, mà là của một người bạn, một người em- luôn phát triển và tiến dần đến với những mục tiêu và ước mơ mà họ đã đặt ra.
Một ước mơ cho những ước mơ dang dở của ai đó được chắp cánh.
Rằng cộng đồng sẽ không còn xa vời với hội hoạ nữa. Sẽ không ai còn mua những bức tranh “sến” vỉa hè.
Và chúng tôi sẽ được sống cùng nghệ thuật và những người bạn mà có thể có chí hướng có khác nhau. Nhưng đều có điểm chung là một niềm say mê!”

5. Anh nghĩ sao về nhiều đánh giá: “Con người trên mạng (khi viết) và con người ngoài đời (khi nói) của anh hoàn toàn khác nhau”

Theo mình thực ra ưu điểm cũng chính là khuyết điểm và ngược lại thôi. Cái gì cũng có hai mặt của nó.
Nó chỉ thực sự là nhược điểm khi nó ảnh hưởng đến người khác, cách khắc phục đó là dấu nhẹm đi không cho ai biết thì sẽ không bị ảnh hưởng. (Cười)
Về nhận xét “con người trên mạng (khi viết) và con người ngoài đời (khi nói) hoàn toàn khác nhau” thì mình thấy hoàn toàn đúng mà.
Ngoài đời mình cũng hay suồng sã lắm. Đặc biệt khi ngồi với bạn bè thân thiết thì cũng bậy bạ đủ thứ ra ngoài thôi. Cũng nhảm nhí như ai, và khi cần nghiêm túc thì lại cũng nghiêm túc như cán bộ. Cũng chả có gì phải giấu diếm việc đó cả.
Văn nói và văn viết hoàn toàn khác nhau nên khi viết hay khi nói cũng vì thế mà khác biệt lớn.
Chứ ngoài đời mà mình nói như mình viết thì chắc người ta bảo mình hâm mất. Nhưng đọc thì lại chấp nhận được.
Quan trọng chưa bị ai nhận xét nhân cách bất nhất là được!

6. Khi giảng dạy tại Bụi Hà Nội, có học viên hay lớp học nào khiến anh nhớ nhất không?

Từ khi giảng dạy chính thức tại Bụi, trải qua rất nhiều lớp, tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi người là một câu chuyện, một cái đáng để học hỏi. Một cá tính, một tâm tư, một hoàn cảnh để đồng cảm hay chia sẻ. Họ đều là những chuyên gia, những người giỏi trong lĩnh vực của mình.
Thật không công bằng khi mình cảm thấy nhớ về người này nhiều hơn người kia.
Tất nhiên có những học viên đã đi theo mình rất lâu, rất dài và vì vậy mình và họ hiểu nhau nhiều hơn nên sẽ có giao tình sâu sắc hơn những người khác.
Chỉ khi đó là người mình thích thì mình mới có lý do ấn tượng mạnh hơn những học viên khác, nhưng chả nhẽ lại nói lên đây là: mình ấn tượng nhất bạn A vì bạn ý xinh. (Cười)

7. Anh hãy chia sẻ một chút về định hướng tương lai của mình?

Về định hướng sắp tới. Về cơ bản mình phân định khá rõ giữa nghề và nghiệp.
Nghề là cái nó sẽ nuôi mình, còn nghiệp là cái mình phải nuôi nó (nếu thực sự có tài và thêm chút may mắn, biết đâu nó sẽ trả nợ lại cho mình bằng cách nuôi được mình nữa).
Sáng tác hội họa vẫn là cái nghiệp mà mình đã theo đuổi bấy lâu nay, thật may là hiện tại nghề và nghiệp của mình khá là có liên quan đến nhau cộng với sở thích và ước mơ nông trại của mình nữa. Vì mình thích nông thôn và cây cối mà.
Nên chắc là sẽ có một ngày trở thành nông dân thôi.

8. Quan điểm hội hoạ của anh là gì?

Quan điểm hội hoạ của riêng mình là “Hoạ sĩ không vẽ cái mà họ nhìn thấy. Hoạ sĩ vẽ cái mà họ cảm thấy”.

“Một hoạ sĩ giỏi là hoạ sĩ biết dùng màu trắng”

Nhớ khi còn học đại học, mình từng được nghe thầy kể rằng:
Có một hoạ sĩ đã luyện tập bằng cách đặt một quả trứng gà bên cạnh một quả trứng vịt, với một tờ giấy trắng đặt trên một mặt bàn phủ vải trắng.
Ban đầu mình cũng chưa thực sự hiểu ý nghĩa của việc này cho đến mãi sau này khi nhận ra rằng hoạ sĩ giỏi không phải là một hoạ sĩ vẽ với rất nhiều màu. Một hoạ sĩ giỏi là hoạ sĩ biết dùng màu trắng.
Chẳng biết thực hư câu huyện đó như thế nào, cũng chẳng biết hoạ sĩ đó là ai. Nó không còn quan trọng.
Chỉ biết rằng: Khi bạn có thể phân biệt được các sai biệt sắc độ cực kỳ tinh tế giữa hai loại trứng, so với giấy và vải trắng, bốn thứ ấy đặt cạnh nhau và thể hiện được sự khác biệt giữa chúng lên bức tranh.
Chẳng có màu sắc nào trên đời này mà bạn không thể phân biệt nổi nữa.
Rất nhiều kiệt tác kinh điển có hoà sắc rất rực rỡ và phong phú, nhưng chúng đều có một điểm chung: cực kỳ tinh tế giữa các sắc độ.
Bắt đầu từ cách luyện tập để nhìn được các màu trắng.
Nghệ thuật trước tiên không bao giờ cần phải là những lời to tát sáo rỗng.
Nghệ thuật với mình luôn bắt đầu từ sự tinh tế!


Tranh tĩnh vật của hoạ sĩ Isabelle Sauvageot’s

Một số tác phẩm của Đinh Ngọc Sơn

Bức “Cô gái ” – bức thử nghiệm kỹ thuật cổ điển nhiều lớp đầu tay của Sơn. 


Tags:

Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!