Phạm Công Danh – Từ vẽ 4/10 đến trở thành Giám đốc chuyên môn Bụi Sài Gòn

“Một trong những khuyết điểm của mình là không đẹp trai, thiếu sức hút học viên nữ, nên nhiều khi mấy bạn không đi học đủ. Những ai có ngoại hình thật là một lợi thế” – Danh tâm sự. Vậy mà, nhiều học viên vẫn gọi anh là “thầy Danh đẹp trai”, “thầy Danh đầu xanh đẹp trai”, thế mới biết, định nghĩa về cái đẹp đâu chỉ có một.

Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCC

Đoá hoa sen “định mệnh”

Vào năm lớp 6, khi được giao bài tập vẽ: Vẽ hoa sen, Danh chỉ biết vẽ cánh hoa đều từ trái sang phải và tô màu hồng, trắng. Tình cờ khi ấy có một người anh họ học Mỹ thuật đến nhà chơi, Danh nhờ anh sửa bài và vô cùng bất ngờ khi thấy anh đã dùng cả 1 hộp màu sáp để tô, với đủ màu xanh, đỏ, vàng, lam, cả màu đen. Bài vẽ đó được cô giáo khen rất nhiều và để lại ấn tượng lớn đối với Danh. Từ đó đến hết cấp 2, anh đã “tự tạo áp lực” cho bản thân để hoàn thành tốt mọi bài tập vẽ được giao. Đến năm lớp 12, trước lựa chọn phải vào trường gì, Danh chọn… đại trường ĐH Kiến trúc vì nghĩ sẽ được vẽ nhiều.

Luyện thi 1 tháng, lần đầu Danh mới biết cách gọt bút chì, cầm que đo, vẽ đầu tượng, lên bóng như thế nào, dù… tô đen thui nhưng cảm thấy vẫn tự hào vì mình… dựng hình được. Do chỉ luyện thi 1 tháng trước khi thi, Danh đã rớt Kiến Trúc với điểm bài vẽ chỉ 4/10. Chính quá trình học này đã làm Danh nhận ra mình thích hội hoạ hơn Kiến Trúc và quyết định thi lại vào trường ĐH Mỹ thuật vào năm sau.

Ban đầu dị ứng khi nghe từ “Bụi”

Được người bạn Cáo Xanh Lè giới thiệu làm ở Bụi, Danh khá phân vân vì… không thích Bụi lắm. Lí do đầu tiên vì cơ sở của Bụi khi ấy nằm ở con đường Trần Phú, quận 5 – Nơi được mệnh danh là “con đường tranh chép”. “Nghe tên Bụi mình cũng không thích. Ngành Mĩ thuật vốn bản chất hơi nhây, hơi nghệ, tự nhiên gán thêm từ Bụi mình cảm thấy hơi phô trương. Như kiểu mình không thích những từ như “Có thần”, “Mộc”, hay từ “Dễ thương” vì người ta lạm dụng dùng nó quá nhiều. Nhìn hay hay cũng gọi là dễ thương, đẹp cũng là dễ thương, vui vui cũng dễ thương. Có rất nhiều điều người ta quy vào từ đó.” – Danh chia sẻ.

Được mệnh danh là người mang theo làn gió mới của bộ môn Hình hoạ tưởng chừng khô cứng, thầy Phạm Công Danh khiến người khác nhớ đến vì sự thân thiện, dễ gần và phong cách giảng bài thu hút với những chia sẻ mới mẻ, hấp dẫn.


Đánh giá một trong những ưu điểm của mình chính là sự nhiệt huyết, không chịu ngồi im một chỗ, thích thay đổi, Danh đã dần khiến bộ môn hình hoạ chứng minh được tầm quan trọng và sự hứng thú khi học môn hình hoạ. “Khi ấy Bụi còn ít giảng viên, hình hoạ ít người đi học vì nghĩ rằng đây là bộ môn khô cứng. Mình đã góp phần thay đổi bằng giáo trình sao cho học viên dễ học hơn, khuyến khích mọi người học hình hoạ nhiều hơn khi làm trợ giảng ở lớp căn bản. Dần dần, Hình hoạ có nhiều tác phẩm đẹp hơn khiến người xem hứng thú hơn.

Một số tác phẩm hình hoạ của học viên Mỹ Thuật Bụi. 

Qua 2 năm làm việc tại Bụi, Danh chia sẻ mình đã thay đổi khá nhiều, không còn bảo thủ, cứng nhắc, biết được nhiều điều mới mẻ hơn. “Muốn có một môi trường làm việc tốt, có hai cách: Thay đổi nó, hoặc thay đổi mình để phù hợp. Mình chọn cách thay đổi nó dần dần, để môi trường làm việc ngày càng tốt lên. Việc gắn thêm chữ Bụi vào cụm từ Mỹ thuật Bụi cũng không phô trương như mình  nghĩ” – Danh chia sẻ.

Lớp khiến Danh nhớ nhất: Cô Thuỳ tự tin, lạc quan, không thích vẽ quá kĩ. Chị Linh luôn chỉn chu, có những câu hỏi khá sâu sắc. Chị Nga với khả năng “vẽ luôn méo”, chị Nam Phương mang con theo để các thầy thay phiên nhau bế con cho chị vẽ…

Điểm yếu của giảng viên trẻ: Thiếu khả năng thuyết trình trước đám đông

Khả năng thuyết trình trước đám đông là một trong những điểm yếu chung của giảng viên trẻ khi mới vào Mỹ thuật Bụi vì không phải ai cũng học ngành sư phạm Mỹ thuật. “Các bạn có thể “chém gió” với nhau ở quán cà phê, có thể chia sẻ với những người ngoài về kiến thức của mình. Thế nhưng, khi vào lớp, tâm lí của các bạn lại khác hẳn, bỗng nhiên bị “khớp” trước học viên. Chỉ cần 1 lần phá bỏ tâm lí sợ hãi đó thôi, bạn hoàn toàn có khả năng làm được! Không cần phải quá dựa dẫm vào những slide bài giảng, hãy sẵn sàng chia sẻ với học viên những điều mình học được.”

Bên cạnh đó, tính kỉ luật, trách nhiệm là điều bất cứ ai cũng cần phải rèn luyện. “Điều này cũng một phần do ngay từ khi ở nhà trường khi sinh viên được tự do, thoải mái trong giờ giấc học tập và làm bài tập. Tuy nhiên, giờ với Bụi đây không phải là một vấn đề lớn, vì mọi người khi vào đây sẽ tự động theo một cái guồng và cuốn theo sự kỉ luật của người đi trước.”


Tự nhận xét về điểm yếu của bản thân, Danh chia sẻ: “Bản thân mình không thích màu nước nên không luyện để vẽ màu nước đẹp, không vẽ lụa được. Đi dạy nhiều khiến đôi lúc trí nhớ của mình bị bão hoà, quên mất tên của học viên. Khi vào dạy cũng quá nghiêm túc, thiếu không khí vui vẻ, thân thiện, đây cũng là điều mình cần cải thiện mỗi ngày”.

Một số tác phẩm của Phạm Công Danh:

 

Tags:

Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!