Năm nay là năm thứ ba triển lãm những tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ không chuyên được trưng bày. Triển lãm lần này trưng bày 68 tác phẩm của 50 tác giả ở mọi độ tuổi, ngành nghề (trong đó có 33 tác giả người lớn và 17 em nhỏ). Họ không phải là những người cầm cọ chuyên nghiệp nhưng với niềm đam mê mãnh liệt với hội họa họ đã tạo nên những tác phẩm đủ để thỏa mãn công chúng yêu hội họa
Họa sĩ Đỗ Viết Khôi, giảng viên Mỹ thuật Bụi đơn vị tổ chức triển lãm cho biết: Để triển lãm có được những tác phẩm đạt giá trị thẩm mỹ, những người tổ chức cùng các tác giả đã có thời gian chuẩn bị khá chu đáo. Một Trại sáng tác trong 3 tháng được tổ chức để các học viên sáng tác, sau đó lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trưng bày triển lãm.
Với chủ đề “About time – Màu khoảnh khắc”, những bức tranh tại triển lãm lần này là những ký ức của các tác giả thể hiện qua ngôn ngữ hội họa. Với các mảng đề tài phong cảnh, chân dung, động vật, khoảnh khắc những hình ảnh đẹp mà các tác giả lưu giữ bấy lâu trong ký ức hiện lên tươi mới và đong đầy cảm xúc.
Đó có thể là một con ngõ nhỏ gần 20 năm qua tác giả vẫn đi về, gần gũi và gắn bó đến mức thuộc lòng về nó (Ngõ – Hoàng Thu Hằng). Hay đó là ký ức về một bãi đỗ xe cạnh quán chè quen của một du học sinh xa nhà, nhân chuyến về thăm nhà vào một buổi chiều tà thanh bình, ngồi ăn chè với cô bạn thân và nhìn hàng xe tăm tắp trước mặt (Xế – Hà Thanh Hằng).
Hay đó là một hoàng hôn yên bình và và cổ kính của phố cổ Hội An cùng dạo bước với người thương, tay trong tay với bao khát vọng, say mê của tuổi trẻ (Hội An, hoàng hôn nằng và anh – Phạm Thị Thu Trang).
Hoặc đơn giản chỉ là những rung động, cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn bức ảnh chiều thu bên hồ thanh bình và tĩnh lặng của một người bạn phương xa gửi về và muốn mượn ngôn ngữ hội họa để lưu giữ lại khoảnh khắc ấy (Chiều dịu êm – Cù Thị Phương Dung)…
Đó cũng có thể là một buổi sáng mùa xuân, nắng tỏa sáng rực rỡ và những bông hoa nở tưng bừng, hai chú chim đang hót gọi xuân về dưới cái nhìn trong trẻo của tuổi thơ (Hai chú chim – Vũ Khánh Linh).
Một ô cửa sổ gọi nắng, một người cha nâng niu cô con gái nhỏ làm nũng, khoảnh khắc ấy thật bình yên, kỳ diệu và tác giả muốn nhờ ngôn ngữ hội họa lưu giữ lại (Chạm vào khoảnh khắc – Cao Tuyết Minh)…
Không hề hạn chế trong chất liệu và thể loại, công yêu hội họa được tham quan một triển lãm vô cùng đa dạng qua các tác phẩm màu bột, chì than, màu nước, sơn dầu với đủ các thể loại từ phong cảnh, chân dung tới ký hoạ… Mỗi bức tranh là một một khoảnh khắc, một ký ức tươi đẹp, đầy nhớ nhung, thương mến của các tác giả gửi gắm qua từng nét vẽ.
Dù là những người cầm cọ không chuyên nhưng theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác giả đã dồn hết công sức, thời gian, làm việc một cách nghiêm túc để có những tác phẩm đủ độ khó về chuyên môn nhưng vẫn giữ được những nét hồn nhiên của không chuyên. Tất cả cùng gửi đi một thông điệp vô cùng trìu mến: “Tôi đem ký ức đẹp, lưu giữ nhẹ vào tranh”.
Tại buổi khai mạc triển lãm, Ban tổ chức thông qua Art Talk – buổi trò chuyện cởi mở, gần gũi về hội họa, xoá nhoà khoảng cách vô hình giữa nghệ thuật và đại chúng. Hàng loạt hoạt động nghệ thuật bên lề như Workshop trải nghiệm mỹ thuật độc đáo được cộng đồng Mỹ thuật Bụi dày công chuẩn bị riêng cho sự kiện đặc biệt này. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, buổi toạ đàm “Nhiếp ảnh cơ bản – Cách nắm bắt khoảnh khắc đẹp” và “In độc bản – Sáng tác tranh siêu dễ” sẽ diễn ra vào chiều 17.3.2018.
Triển lãm “Tìm về” diễn ra từ 11 – 17.3.2018 tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật 29, Hàng Bài, Hà Nội và từ 17 – 19.3.2018 tại Nhà Triển lãm 92 Lê Thánh Tôn, TPHCM.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tim-ve-hanh-trinh-cua-nhung-ky-uc-596302.ldo