Họa sĩ Mai Trung Thứ – Một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam

Mai Trung Thứ là một họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Dù hơn nửa đời người sống xa Việt Nam nhưng Mai Trung Thứ đã làm hết sức mình những gì có thể cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật tại quê nhà. Ông đã có những đóng góp to lớn cho nền hội họa nươc nhà, để lại cho thế hệ sau những tác phẩm như món quà tinh thần vô giá. Điểm qua những tên gọi tác phẩm của ông đã thấy phảng phất đâu đó một Mai Trung Thứ yêu đời – lãng tử trong nền nghệ thuật tạo hình cận hiện đại Việt Nam.

Đôi nét về họa sĩ Mai Trung Thứ

Mai Trung Thứ (1906-1980) quê ở làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Mai Trung Thứ là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam (Phổ – Thứ – Lựu – Đàm). Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại nước Pháp. Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông.

Con đường hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Mai Trung Thứ 

Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện… Trong những năm theo học, lúc đầu Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Tranh của Mai Trung Thứ nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật cũng tươi sáng giống như tranh của Tô Ngọc Vân sau này.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Thành phố Huế mộng mơ là niềm cảm hứng bất tận trong hàng loạt các tác phẩm lụa của ông, nhân vật trong tác phẩm của ông là những cô gái Huế dịu dàng, những khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm. Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, những ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Bức tranh Mẫu tử của họa sĩ Mai Trung Thứ

Năm 1936, Mai Trung Thứ quyết định ở lại sống và hoạt động nghệ thuật tại kinh đô ánh sáng Paris, nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài…

Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong đó có nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (học trò của ông) theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi đó.

Bức tranh “Nu” của Mai Trung Thứ

 

Một số tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ

Mai Trung Thứ được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời ông. Đề tài yêu thích của ông là về phụ nữ, trẻ emcuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. 

Tranh thiếu nữ của Mai Thứ gợi nhớ một nét đẹp duyên dáng, thùy mị với hình dáng mảnh mai, thon thả, yêu kiều, đặc biệt là đôi mắt. Ông diễn tả đôi mắt thiếu nữ mà nhiều người vẫn coi là cửa sổ tâm hồn thật đa sầu, đa cảm. Nhân vật trong tranh của ông đều có đôi mắt buồn vô cớ, tư lự mà những ai đã một lần xem tranh thiếu nữ của ông sẽ mãi mãi nhớ nhung.

“Hai cô gái”.

Phần lớn cuộc đời họa sỹ Mai Trung Thứ, ông sống và hoạt động nghệ thuật tại nước Pháp. Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông. Ở thời hiện đại ngày nay, những hình ảnh đó chính là hình ảnh để thương để nhớ. Và bởi vì ông sống xa quê, nên nỗi niềm thương nhớ ấy dạt dào trên từng nét vẽ ngọt ngào của ông về quê hương…

“Tập viết”, 1956.

Hình ảnh con người và cảnh vật trong tranh của Mai Trung Thứ nổi lên với sắc thái sâu đậm và hồn nhiên, như nỗi nhớ quê hương lúc nào cũng đau đáu trong lòng ông.

“Học bài”, 1941.

Dù hơn nửa đời người sống xa Việt Nam nhưng Mai Trung Thứ đã làm hết sức mình những gì có thể cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật tại quê nhà.  Những cuộc trưng bày các tác phẩm của ông tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây, trung tâm hình thành nên các trào lưu nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.

(Nguồn:Tổng hợp)

Tags:

Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!