Họa sĩ Nguyễn Sáng – một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam

Là một trong bốn “tứ kiệt” “Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái”, họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những người có đóng góp to lớn cho hội họa hiện đại Việt Nam. Nguyễn Sáng là một trong số những họa sĩ của Việt Nam sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, trong đó có những chất liệu quan trọng như sơn mài, sơn dầu, lụa… Và hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa. Bằng con tim chân thành yêu thương của người họa sĩ ông đã dùng nét vẽ lay động người xem với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng.

Đôi nét về họa sĩ Nguyễn Sáng

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 – 1988) quê ở làng Điều Hòa tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang, Nam Bộ. Sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo, nhưng Nguyễn Sáng lại tỏ ra có “năng khiếu bẩm sinh” về hội họa. Ông học trường Mỹ thuật Gia Định 1936 – 1938, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1941-1945. Ông nhiều năm sống và làm việc tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Từ năm 1936 đến năm 1938, Nguyễn Sáng học Trường Mỹ thuật Gia Định, từ năm 1941 đến năm 1945 học tiếp Trường Mỹ thuật Đông Dương khoá XIV. Vào tháng 8/1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Đến cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình để phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng



    Một số nét chính trong sự nghiệp hội họa của họa sĩ Nguyễn Sáng

    Năm 1954, cùng họa sĩ Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc, Dương Bích Liên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chín năm kháng chiến trường kỳ, họa sĩ đi cùng năm tháng hào hùng của chiến tranh cứu nước, Nguyễn Sáng sống như người lính và ông đã truyền được hơi thở nóng bỏng của cuộc chiến tranh vào tác phẩm của mình, với sức truyền cảm mạnh mẽ, sống mãi cùng thời gian. Đây được xem là giai đoạn tài năng hội hoạ của Nguyễn Sáng phát triển rực rỡ nhất.

    Họa sĩ Nguyễn Sáng gắn bó cuộc đời mình với Hà Nội và chú tâm vào việc sáng tác hội họa. Thời gian đầu Nguyễn Sáng dựng lại những tác phẩm về đề tài cách mạng. Sau đó, ông thường vẽ những đề tài giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, như: Thiếu nữ bên hoa sen, Nghệ sĩ và người mẫu. Nguyễn Sáng cũng đam mê vẽ chân dung bạn bè là những văn nghệ sĩ tên tuổi như Tô Hoài, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Dương Bích Liên… và vẽ về đề tài 12 con giáp trên những đĩa sơn mài.

    Tác phẩm “Vật” (1980) – Sơn mài.

    Nguyễn Sáng đã làm cuộc cách tân đáng kể trong lĩnh vực sơn dầu, và đặc biệt là tranh sơn mài. Ông bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú dường như vô tận. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng nằm ở sơn mài và đây là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Sáng cho hội họa cả về chất liệu và danh tiếng. Tuy là người thành công trong việc khai thác phong cách nghệ thuật hội họa hiện đại châu Âu nhưng ông chưa bao giờ xa rời nghệ thuật dân gian truyền thống. Bên cạnh đó, tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng là sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và tinh hoa văn hóa dân tộc.

    Một số tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Sáng 

    Được họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963, đúng 9 năm sau chiến thắng Điên Biên Phủ, bằng nét vẽ khỏe khoắn, chất tạo hình hiện đại mà Nguyễn Sáng áp dụng bằng một chất liệu đậm chất dân tộc, đó là sơn mài tác phẩm “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” đã khắc họa hình tượng cao đẹp và bình dị của những người chiến sĩ – đảng viên trên trận tuyến.

    Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, sơn mài, 1963

    Các tác phẩm của Nguyễn Sáng có tầm cỡ về kỹ năng, mang rõ những thông điệp lớn về thân phận con người và tiềm ẩn một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam, sống và vẽ, dấn thân và quyết liệt.

    Tác phẩm “Thanh niên thành đồng”, sơn mài,1978

    Về thể loại tranh chân dung, ông là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm của nhân vật. Ngoài ra, ông còn vẽ theo nhiều đề tài khác nhau, như phụ nữ và hoa (Thiếu nữ bên hoa sen), cảnh đẹp vừa cổ kính vừa lộng lẫy của chùa chiền (Tháp phổ minh), cảnh núi rừng thâm u mà hùng vĩ (Pác Bó), cảnh nông thôn bình dị, hiền hòa (Thiếu nữ trong vườn chuối), cảnh ghi lại những trò chơi dân gian (Chọi trâu, Đấu vật)

    Tác phẩm “Chân dung bà Đôn Thư” (1971), sơn dầu

    Danh họa Nguyễn Sáng để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam hàng trăm tác phẩm, với nhiều đề tài và nhiều chất liệu khác nhau. Ông là một trong số những hoạ sĩ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ hội hoạ của ông có tầm khái quát cao, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống với thành tựu nghệ thuật hiện đại thế giới, đóng góp vào việc cách tân hội hoạ hiện đại Việt Nam. Đối với những người yêu nghệ thuật, Nguyễn Sáng mãi mãi là danh họa số một trong “tứ kiệt hội họa” Việt Nam đương đại.

    (Nguồn:Tổng hơp)

    Tags:

    Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

    Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!