Sơn mài của Nguyễn Thị Mai: Mộc mạc, tao nhã đến nao lòng

Nguyễn Thị Mai từng có nhiều triển lãm chung tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế, chị được xem là một trong số ít họa sĩ dám đánh cược với thời gian, đối mặt với nhiều thách thức để yêu nghệ thuật sơn mài một cách trọn vẹn.

Đến với hội họa bằng con đường tự học là một sự dấn thân. Đặt chân vào thế giới quyến rũ đầy trắc trở của sơn mài thì không chỉ là dấn thân mà còn là khổ nghiệp. Khổ nghiệp bởi có quá nhiều kẻ đi trên con đường ấy nhưng chẳng bao giờ tới đích.

Hoàn thiện trong cái dang dở

Nguyễn Thị Mai sinh năm 1966 tại Hà Nội 2, nguyên quán tại Quảng Bình và tốt nghiệp Sư phạm ngoại ngữ Huế.
Theo đuổi hội họa từ 2004 vẽ tranh trên nhiều chất liệu sơn dầu, giấy dó, lụa, acrylic.v.v… nhưng mãi đến 2009 Mai mới thực sự tìm hiểu và thể nghiệm kỹ thuật sơn mài dưới sự dẫn dắt của một người thầy là họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng. Học thuật sơn mài chuẩn mực đã thuyết phục chị, tiếp sức cho chị đủ tự tin khám phá bằng một tinh thần quyết liệt, không bỏ qua bất cứ một chi tiết khắt khe nào dù là nhỏ nhất. Đó là nguyên do mà cho đến bây giờ Mai sở hữu một tay nghề thể hiện tranh sơn mài thuần thục, vững vàng.

chuyentinh

Tác phẩm: “Chuyện tình trên mái nhà” (87 cm X 120 cm), sơn mài, 2012

Hai năm gần đây Mai vẽ với năng lượng dồi dào, miên man như nham thạch nóng và mạnh chảy tràn từ tấm vóc này sang tấm vóc khác, từng ngày… chồng chất. Và hầu hết các tác phẩm đều là sơn mài mộc. Gọi như thế là bởi vì sau khi vẽ xong, mài xong tranh không được toát, cũng không được làm bóng bề mặt mà để mộc. Hoàn toàn mộc.

Chẳng thể chối cãi cái bản sắc lộng lẫy, vàng son đến mức quý phái của sơn mài. Cũng ít ai dám khước từ vẻ bóng láng bề mặt như một yếu tố mặc định cho sự hoàn thiện của kỹ thuật chất liệu. Ấy thế mà Mai lại ngang nhiên chối bỏ một cách chủ động và bản lĩnh cái phép tắc cuối cùng để đắm đuối với cảm quan mới: Mộc mạc, tinh khôi và gần gũi. Không bóng mà vẫn gợi ra được phẩm chất sang trọng cần thiết. Có thời kỳ sơn mài Mai được toát, được đánh bóng, nhưng Mai không thỏa mãn, và thấy không thực sự là chị. Chị mong muốn được hoàn thiện mình trong cái mà nhiều người cho là dang dở.

Xưa nay có không ít hình thức “cách tân” sơn mài tùy tiện theo cách này hay cách khác. Cũng chẳng thiếu sự phá hỏng sơn mài bằng hành động bẳn gắt, táo tợn có thừa. Ấy gọi là “thất lễ” với mỹ cảm truyền thống.
Ở Mai không có ý cách tân, cũng chẳng có gì đi ngược với truyền thống.
Trong từng lớp lang vẽ – mài nhiều tầng nông sâu, chị luôn tôn trọng và theo đúng quy trình nghiêm ngặt của kỹ thuật sử dụng sơn ta.

Tạo hình tinh tế rất… đàn bà
Bảng màu Mai ưa dùng hết sức giản dị và kiệm vàng son đến mức hiếm thấy. Tạo hình không một chút cầu kỳ, không một thoáng kiểu cách, nhưng đẹp và lạ. Giá trị nguồn cội được tiếp biến kết hợp với cái mạnh mẽ bản năng, hòa cùng những rung động tinh tế, tơ vương rất đỗi đàn bà. Vẫn là những chim, cá, hoang thú, cỏ cây, hoa lá, đàn bà, đàn ông… nhưng gợi cảm, đơn sơ một cách tự nhiên; bí ẩn và phồn thực đến ma mị. Mai nói khi vẽ chị như người nhập đồng, như kẻ mộng du miên man theo những câu chuyện của đời mình, đời người. Một cuộc dạo chơi trong cõi mơ của riêng chị được tạo ra từ vẻ gộc ghệch của hình thể, từ họa cảm lãng đãng phai nhạt, mơ hồ sương khói của tiết tấu đậm nhạt không phô chênh lướt mềm trên cái phóng túng, thênh thang, rộng lượng của nhịp điệu và đường nét mau thưa .Có đôi nơi ngắt, buông, khắc khoải…

Xem tranh Mai dễ xuất hiện cảm giác ngỡ ngàng bởi cái mộc mạc, tao nhã đến nao lòng để rồi hoài nghi: Sơn mài có hay không hình thức mộc? Nghĩa là trong một chừng mực hợp lý nào đó tranh sơn mài không nhất thiết phải toát và làm bóng? Hay đây chỉ là cái riêng trong biểu cảm kỹ thuật sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thị Mai ở lúc này và trong thời điểm này?
Tranh Mai thực sự là những giấc mơ đẹp mà giản dị tới mức ở cái thời buổi cuộc sống có ngàn vạn giá trị đổi thay thật ít ai đủ sự bình yên trong tâm hồn để mà mơ những giấc mơ như thế.

Dẫu vậy đâu đó trong sơn mài Mai hình như vẫn thèm một chút nữa vàng son; một tí đậm đà, một thoáng buông thả, nhấn nhá bâng quơ để tranh thêm vẻ quyến rũ , lơ lửng và mơ hơn!
Con đường chinh phục hội họa dài lâu của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Mai ngoài sự quyết tâm chắc chắn còn có đủ niềm tin, tình yêu và lòng chung thủy. Vì vậy cái đích mà chị hướng đến đã ló dạng và đang ở rất gần.

Theo: Họa sĩ Vũ Đình Tuấn (Giảng viên ĐHMTVN)

Tags:

Không một rào cản nào có thể ngăn chúng ta chinh phục ước mơ của chính mình. Hãy để Bụi giúp bạn rút ngắn con đường chạm đến đam mê hội họa nhé!

Đăng ký khóa học để nhận ngay ưu đãi hấp dẫn trong hôm nay nha bạn ơi!